Hỏi & Đáp: Tìm hiểu hầm phân tự hoại

KTNĐ – Hầm phân tự hoại là một chi tiết luôn luôn bị bắt buộc phải thể hiện trong bản vẽ xin phép xây dựng nhà ở và được nhiều bạn đọc quan tâm. Để hiểu rõ vai trò và cấu tạo của hầm phân tự hoại, dựa vào một bài viết của tác giả Trần Trọng Toản*, chúng tôi xin tóm lược lại cho phù hợp với khuôn khổ bài viết.

h1

MẶT CẮT HẦM PHÂN

Hầm phân tự hoại đóng vai trò như một trạm xử lý nước thải nhỏ, đảm bảo phần nước thải hôi thối độc hại
từ sự bài tiết (phân, nước tiểu) được xử lý đúng yêu cầu trước khi thoát ra cống chung của đô thị.

Một hầm phân tự hoại đúng chuẩn phải không xông mùi hôi thối. Nước ở hầm chảy ra sẽ không có vi trùng độc hại. Hầm phải hoạt động được lâu ngày mà không bị ứ nghẹt.

Hầm phân tự hoại gồm có 3 ngăn chính: ngăn chứa, ngăn lắng, ngăn vi khuẩn.

NGĂN CHỨA
Phân chứa trong bể phải được ngâm trong nước thì mới lên men và bị một loại vi khuẩn phân hủy các chất hữu cơ. Loại vi khuẩn này là vi khuẩn sợ không khí (vi khuẩn yếm khí, chỉ có thể sống ở nơi không có không khí) nên hầm phải xây thật kín. Phân ở trong theo thời gian sẽ biến thành chất lỏng và dần dần lắng xuống đáy.

Khi phân biến thành chất lỏng sẽ sinh ra hơi nên cần đặt một ống thoát hơi cho bể chứa. Vì phân nổi trên mặt nước như một cái bè nên muốn cho vi khuẩn hoạt động được dễ dàng không bị xáo trộn thì ống đưa phân vào phải cắm xuống dưới mặt nước trong bể chứa độ 30 cm. Không nên đặt sâu quá mặt nước 30cm vì nếu đặt sâu sẽ làm cho phân thoát ra bể khó khăn.

Sau khi phân biến thành chất lỏng, các vi trùng bệnh truyền nhiễm đều bị vi khuẩn yếm khí tiêu diệt. Bác sĩ Calmette nhận định rằng các loại vi trùng thương hàn và dịch tả không thể nào sống hơn 12 giờ đồng hồ trong hầm tự hoại.

NGĂN LẮNG

Ngăn lắng là một phần phụ của ngăn chứa có dung tích từ 1/2 đến 1/3 của ngăn chứa. Ngăn chứa được thông qua ngăn lắng bằng những lỗ đặt lưng chừng vách ngăn, cách đáy khoảng 40 cm. Nếu đặt lỗ thông ở trên cao thì phân mới chưa biến chất sẽ chạy sang ngăn lắng, đặt ở dưới đáy thì lỗ thông sẽ bị bít bởi cặn phân.

Phân biến chất thường ở lưng chừng bể. Khi nước phân sang ngăn lắng, có thể còn một phần phân chưa được biến chất hẳn, những chất phân đó sẽ tiếp tục biến chất nên ngăn lắng cũng phải kín, không được thông với không khí bên ngoài.

Tại ngăn lắng, các khoáng chất và chất sắt còn lại tiếp tục lắng dần xuống.

NGĂN VI KHUẨN

Dung tích ngăn vi khuẩn ước độ 1/3 của ngăn chứa cộng với ngăn lắng.

Trái với 2 ngăn trên, ngăn vi khuẩn lại phải cần được thoáng khí vì trong bể này cần tới một loại vi khuẩn khác gọi là vi khuẩn háo khí (thích không khí) để tiếp tục làm biến thể chất phân. Vì vậy phải có một ống thông hơi lớn từ bể này thông lên qua mái nhà,đường kính từ 20 cm đến 40 cm tùy theo bể to, nhỏ để đem không khí từ bên ngoài vào bể.

Nước phân ở ngăn lắng tràn qua ngăn vi khuẩn phải chảy vào những máng xây có bờ thật ngang để nước tràn đều, chảy thành những chỉ nước nhỏ cho khí trời dễ hòa nhập vào nước.

h2MẶT BẰNG HẦM PHÂN

Ngoài ra, nước lại được chảy qua một lớp vật liệu rỗng để diện tích của nước tiếp xúc với không khí tăng lên, như vậy không khí thâm nhập dễ dàng và giúp cho vi khuẩn ô xít hóa phân thành những chất nitric và mất mùi hôi thối.

Vì có tác dụng của không khí ở trong bể vi khuẩn và nhất là ở khoảng có vật liệu rỗng nên hầm vi khuẩn không bao giờ được ngập nước; nếu ngập nước thì bể vi khuẩn sẽ không có không khí và những sự biến đổi cần thiết sẽ không đạt kết quả được.

Ngoài việc xây hầm phân đúng kiểu, đúng kỹ thuật, chúng ta còn phải biết giữ gìn hầm. Trong hầm phân tự hoại có hai vi khuẩn yếm khí và háo khí. Phân hoại được là do sự làm việc của hai loại vi khuẩn có lợi nói trên. Vì vậy, đừng bao giờ cho những hóa chất sát trùng vào bồn cầu như nước tẩy rửa, xà bông, thuốc tím… vì nó sẽ tiêu diệt các vi khuẩn nói trên.

* Bài gốc và minh họa đã được đăng trên một tạp chí ở phía Nam vào những năm 1960 (do KS. Lê Ngọc Phượng lưu giữ)

Mọi thư từ, quý độc giả có thể gửi về tòa soạn qua email: [email protected] hoặc bằng đường bưu điện đến địa chỉ: 40 Bà Huyện Thanh Quan (Phòng F45), P.6, Q.3, TP.HCM.
Ban biên tập rất mong tiếp tục nhận được những chia sẻ từ quý vị.