Nước ta là nước nhiệt đới, nhiều nắng, nhận bức xạ mặt trời ở cường độ cao hoặc rất cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tiêu cực đến sức khỏe con người. Chống nắng nóng và điều tiết ánh sáng mặt trời là một yếu tố quan trọng trong thiết kế và xây dựng công trình.
Ngoài những giải pháp kiến trúc – kỹ thuật để chống nắng nóng như tường bao che dày, mái vươn xa… thì việc tìm kiếm vật liệu để tạo nên những kết cấu – cấu kiện chắn nắng linh động bảo vệ công trình từ bên ngoài cũng là một khía cạnh khác của vấn đề.
Từ những tấm mành, tấm giại
Trong ngôi nhà dân gian truyền thống, từ nhà tranh vách đất cho tới nhà xây tường lợp ngói, người xưa đã tạo nên những lớp chắn nắng từ bên ngoài, như một tấm áo giáp. Đó là những tấm mành, tấm giại, tấm liếp. Mặc dù đa phần các ngôi nhà dân gian ở nông thôn đều quay về hướng nam, nhưng trong những điều kiện nhất định về địa thế, địa hình, hoặc theo mùa (nắng xiên) thì bề mặt chính của công trình vẫn bị nắng chiếu vào.
Tấm giại là một dạng kết cấu bao che ở hiên trước nhà, thường được định vị cố định vào hệ cột hiên, có thể nằm giữa hai cột, cũng có thể phủ hẳn ra ngoài. Tấm giại có chức năng chính là để chắn nắng. Ngoài ra, với những nhà ở có sân gạch phía trước thì khi mặt trời chiếu xuống sân cũng tạo nên bức xạ nhiệt lớn, nhiệt lượng này tiếp tục phản xạ vào trong nhà gây nóng; thì tấm giại ở hiên góp phần ngăn bớt nhiệt lượng này. Tấm liếp cũng tương tự như vậy nhưng cho một cơ chế đóng mở linh động, theo kiểu hất lên và chống bằng sào/ gậy. Ở vị trí cửa sổ, nếu dùng liếp cũng giống như một mái che. Cả giại và liếp thường có những khoảng hở, lỗ thủng để lấy sáng và thông thoáng, cũng như khai thác điểm nhìn từ trong nhà ra ngoài.
Mành là một dạng kết cấu che chắn “mềm” và linh hoạt hơn nữa. Mành đôi khi như một sự phân định ước lệ. Mành buông xuống là có thể chắn nắng, ngăn cách; cuốn lên là mở ra thông thoáng tầm nhìn và không gian. Mành rất hiệu quả trong việc điều tiết ánh sáng, có khả năng “lọc sáng” rất hữu hiệu, đảm bảo ánh sáng trong nhà đều và đủ, khi ngoài trời nắng gắt.
Những tấm giại, liếp tre nứa truyền thống ngày càng ít đi và không thể thấy trong đô thị. Nhưng những tấm mành, kể cả mành tre và một loại vật liệu mới là mành nhựa vẫn có thể thấy rất nhiều trong đô thị bởi tính năng hiệu quả của nó – nhất là để chắn nắng.
Lam và hoa tường (bông gió) – dấu ấn một thời
Kiến trúc hiện đại với những hình thức mới, vật liệu mới, kết cấu mới và quy mô công trình lớn hơn nhiều những ngôi nhà dân gian truyền thống cũng không thể bỏ qua giải pháp chắn nắng cho công trình. Việc tìm kiếm, ứng dụng vật liệu – cấu kiện chắn nắng là một câu chuyện dài. Nó gắn liền với giải pháp kiến trúc – kỹ thuật, gắn liền với thẩm mỹ công trình. Rộng hơn, nó còn gắn liền với cả quy trình, cách thức thi công và trình độ thi công.
Trong một thời gian dài, các tấm lam mỏng và hoa tường (bông gió) gần như là giải pháp duy nhất và hiệu quả cho việc tổ chức các kết cấu chắn nắng cho công trình. Dấu ấn lam và hoa bê tông in đậm trong kiến trúc Sài Gòn trước năm 1975 và trong những năm 1970 – 1980 ở nhiều tỉnh thành phía bắc, ở những công trình công cộng và nhà ở chung cư (nhà tập thể). Nhiều công trình ở Sài Gòn đã khai thác hiệu quả giải pháp này, tạo nên một phong cách, giá trị rất riêng, được coi là bản sắc của kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn.
Có thể thấy rất nhiều công trình ở Sài Gòn cho tới giờ vẫn không hề lạc hậu về cả công năng và thẩm mỹ với các giải pháp lam và hoa bê tông chắn nắng, như Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống nhất), Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM), Trường Đại học Y Dược, Trụ sở Ngân hàng Công thương… Ở ngoài bắc cũng nhiều công trình sử dụng hệ lam bê tông và hoa bê tông chắn nắng, tuy nhiên chủ yếu là các lam dọc, ngang, với cấu trúc na ná giống nhau ở nhiều công sở, các loại mẫu hoa tường đơn giản hơn, không thấy có những công trình mang dấu ấn riêng bởi yếu tố này.
Vật liệu chắn nắng mới
Ngoài những lý do đã nêu ở trên, thì sự vắng bóng của loại vật liệu – cấu kiện chắn nắng lam, hoa tường cũng là do có nhiều loại vật liệu mới, hiện đại đáp ứng nhu cầu này. Đó là các loại thép tiền chế, nhôm định hình (mà ở thời kỳ trước không có, hoặc không phổ biến để có thể làm cấu kiện chắn nắng). Các hệ chắn nắng làm bằng nhôm, thép dần phổ biến và có ưu điểm là nhẹ, thi công nhanh, thoáng về mặt thị giác, dễ bảo dưỡng, sửa chữa; tạo nên tính đa dạng về hình thức và chất cảm vật liệu cho mặt đứng công trình.
Nhôm có ưu điểm là nhẹ và có có hệ số phản xạ nhiệt cao (nhận bức xạ thấp), lại không bị ôxy hóa trong môi trường bình thường; là vật liệu rất phù hợp cho việc sử dụng làm cấu kiện chắn nắng bao che bên ngoài – nhất là với những công trình lớn. Các chi tiết cấu tạo liên kết được nghiên cứu sản xuất tối ưu cho việc lắp dựng nhanh, hiệu quả và an toàn.
Ngoài ra một số hệ chắn nắng của một số hãng còn cho phép điều khiển độ mở/ đóng của những thanh chắn nắng, bằng cách điều khiển độ nghiêng phù hợp trong những điều kiện thời tiết khác nhau sao cho phù hợp. Hệ điều khiển này có thể là cơ, điện, hoặc cảm ứng (ví dụ khi nắng quá chói, nhiệt nóng hơn mức định sẵn thì hệ chớp tự động tăng độ nghiêng và ngược lại). Tuy vậy dạng cấu kiện chắn nắng cao cấp và tự động này vẫn chưa phổ biến trong nhà ở gia đình, mà một trong những lý do chính là yếu tố kinh tế. Hầu hết nhà ở nhỏ trong đô thị, nếu có sử dụng cấu kiện chắn nắng đều là dạng chế tạo và lắp ráp thủ công từ những thanh thép, nhôm định hình bán sẵn trên thị trường.
Sự trở lại của những vật liệu truyền thống
Gần đây, trong nhiều công trình xây dựng mới, đã thấy sự trở lại của dạng vật liệu truyền thống cho cấu kiện chắn nắng – đó là lam, hoa tường. Đây là một điều khá thú vị! Nhiều kiến trúc sư đã và đang tìm lại giải pháp cũ này, với sáng tạo mới trong việc tạo hình và tổ chức không gian, sắp đặt ánh sáng.
Một loại vật liệu chắn nắng truyền thống khác cũng được “phục hồi” vị thế – đó là cây xanh. Ở đây cần hiểu rằng cây xanh không phải là vấn đề hoa lá làm cảnh, hay làm môi trường thêm xanh, làm dịu mắt. Cây xanh là một vật liệu theo đúng nghĩa để tạo nên cấu kiện chắn nắng, với sự hỗ trợ của giải pháp kiến trúc. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều công ty đã nghiên cứu đưa ra những giải pháp và những giống cây để trồng trên mặt đứng, trên mái nhà, chống bức xạ của mặt trời.
Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Kiến Trúc Nhà Đẹp – Tháng 05.2018