Dù dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “thất hứa” lần thứ 10, mịt mờ ngày về đích. Nhưng đến nay chưa thấy tổ chức hay cá nhân nào bị xử lý.
Mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể vận hành chính thức vào dịp 30/4 như kế hoạch.
“Tổng thầu và Ban quản lý đã tích cực làm việc song vẫn chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết để nghiệm thu, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án cập nhật lại tiến độ của dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tới nay vẫn chưa thể vận hành chính thức.
Trước đó, trong đợt kiểm tra giữa tháng 3/2019, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4.
Như vậy, đây là lần thứ 10, đường sắt Cát Linh – Hà Đông lùi tiến độ, mịt mờ ngày về đích.
Dù Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Ðông đã “thất hứa” với người dân và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tới lần thứ 10 nhưng chưa thấy tổ chức hay cá nhân nào bị xử lý.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư lý giải nguyên nhân dự án chậm do Tổng thầu EPC quá quan tâm tới việc xây dựng và thiếu kinh nghiệm khi thực hiện dự án tại Việt Nam.
Viện ra nhiều lý do “thiếu thuyết phục”
Mặc dù lãnh đạo Bộ GTVT nói, sẽ đưa Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) vào vận hành thương mại sau 3-6 tháng vận hành thử. Cuối tháng 3/2019, khi kiểm tra dự án, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đưa dự án vào vận hành trong tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, các mốc thời gian trên đều đã qua, dự án đã vận hành thử quá 7 tháng (từ 20/9/2018), nhưng vẫn chưa thể khai thác thương mại. Tới nay, thời gian cụ thể đưa dự án vào khai thác chính thức vẫn chưa bên nào dám khẳng định.
Trong khi đó, dự án càng kéo dài, chi phí đầu tư càng bị đẩy lên, vì phía Việt Nam phải trả lãi vay, chi phí cho nhân công (cả phía nhà thầu Trung Quốc và Việt Nam), chưa kể các chi phí cơ hội, tác động xã hội…
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT – chủ đầu tư) cho hay, hiện các hạng mục xây dựng đã hoàn thành 99% khối lượng; các hạng mục thiết bị đã lắp đặt khoảng 90%, vật tư thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng); đã căn chỉnh đồng bộ và chạy thử liên động 5 chuyên ngành liên quan chạy tàu…
“Phần còn lại là những vấn đề Tổng thầu EPC (nhà thầu Trung Quốc – PV) chưa lường hết khi cam kết với Bộ GTVT sau 6 tháng vận hành thử sẽ hoàn thành. Hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành”, đại diện Chủ đầu tư cho biết. Chủ đầu tư cũng thừa nhận, tổng thầu chưa tập trung đầy đủ nguồn lực để giải quyết dứt điểm các công việc dở dang.
Ngoài ra, dự án muốn vận hành thương mại phải được Tổ chức chứng nhận an toàn độc lập (tư vấn của Pháp) đánh giá, cấp chứng nhận; Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống, kiểm định an toàn kỹ thuật… Từ đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra, đánh giá, dự án mới được đưa vào khai thác thương mại.
Hiện tại, mới có 9/13 báo cáo đánh giá an toàn được hoàn thiện. Việc này cũng gặp khó khăn, bị chậm tiến độ vì tổng thầu chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu. “Theo kinh nghiệm thực tế của tư vấn quốc tế tại các dự án tương tự, để khắc phục hết các vấn đề đã nêu cũng cần có thời gian nhất định”, Ban quản lý Dự án đường sắt cho hay. Tuy vậy, đại diện chủ đầu tư vẫn chưa thể nói được “thời gian nhất định” trên là bao lâu?
Lý giải về các thiếu sót của tổng thầu EPC, đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt cho hay: “Do Tổng thầu quan tâm tới thi công, mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác hồ sơ nghiệm thu theo quy định”. Điều này một phần do chưa có kinh nghiệm với các quy định của Việt Nam, đặc biệt với hợp đồng EPC (xây dựng – chuyển giao). Do đó, dù đã thi công xong, nhưng hồ sơ hoàn công chưa hoàn thiện kịp thời, gây khó khăn cho nghiệm thu, bàn giao công trình và tiến độ giải ngân vốn.
Để giải quyết, Ban quản lý Dự án Đường sắt khẳng định, tiếp tục “quyết liệt chỉ đạo” tổng thầu hoàn thiện các hạng mục, công việc dở dang. Cùng đó, thực hiện nghiệm thu, bàn giao các phần việc đã đủ điều kiện, để khẩn trương hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Mịt mờ này về đích, chưa thấy ai chịu trách nhiệm
TS. Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt.
“Hiện không rõ hợp đồng EPC của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào, nên người ngoài không thể nói gì được”, ông Long nói.
Tuy vậy, theo chuyên gia này, vẫn phải có bên chịu trách nhiệm khi dự án chậm tiến độ, Ban quản lý Dự án cũng chỉ là cơ quan đại diện, cánh tay nối dài, còn trách nhiệm trực tiếp vẫn là Bộ GTVT trên cương vị chủ đầu tư dự án.
“Chủ đầu tư phải có giải pháp giải quyết vướng mắc và phải chịu trách nhiệm. Nếu việc nào vượt quá thẩm quyền, chủ đầu tư phải báo cáo, đề xuất giải pháp lên cấp cao hơn. Đồng thời, chỉ rõ lý do và xử lý trách nhiệm cụ thể từng tổ chức, cá nhân liên quan, vì chậm ngày nào là thiệt hại kinh tế ngày đó. Không thể nói vu vơ, chậm vì lý do này kia, do khách quan, không biết tới bao giờ mới xong, rồi để đó”, TS Nguyễn Ngọc Long nói.
Cũng theo ông Long, ông thấy khá lạ trong hoạt động chạy thử tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa qua, vì các tàu chạy khá rời rạc, lâu lâu có 1 chuyến. Trong khi đó, trên thế giới, tàu chạy thử liên động; các đoàn tàu, bộ phận liên quan phải vận hành như khi khai thác thương mại. Chẳng hạn, khi khai thác thương mại các đoàn tàu chạy 5 phút mỗi chuyến, thì khi chạy thử cũng phải 5 phút/ chuyến.
Ngoài ra, khi kết thúc thời gian chạy thử, phải có đánh giá, kết luận và không chạy nữa, còn nếu tiếp tục chạy, chi phí và các phát sinh phải do tổng thầu chịu trách nhiệm. Không phải đã hết chạy thử, nhưng lâu lâu vẫn có 1 đoàn tàu hoạt động, rồi tính hết chi phí đó vào tổng mức đầu tư.
Hiện có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, dự án có nhiều yếu kém, cần phải tiến hành thanh tra.
Nếu nói Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm do Việt Nam thiếu các tiêu chuẩn, nên Cục Đăng kiểm chưa thể kiểm định chất lượng, an toàn thiết bị là chưa thuyết phục.
Còn Dự án đã kéo dài hàng chục năm, chưa kể một số dự án đường sắt đô thị khác đang thi công, Bộ GTVT phải tính tới ban hành, hoặc xin áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế từ trước khi dự án đưa vào chạy thử. Không phải khi dự án chạy thử, cần kiểm định mới đi nghiên cứu ban hành, hoặc xin áp dụng các tiêu chuẩn của nước khác.
Ngoài ra, Dự án này thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (chìa khoá trao tay), theo thông lệ quốc tế, tổng thầu phải chịu trách nhiệm trong suốt thời gian dài khai thác, không phải hết bảo hành rồi thôi.
Điều này tương tự như mua 1 chiếc ô tô, nếu quá trình sử dụng nhà sản xuất phát hiện lỗi do sản xuất, vẫn phải triệu hồi xe để khắc phục.
“Dù Cục Đăng kiểm có kiểm định phương tiện, thiết bị đoàn tàu, cũng không thể chịu thay trách nhiệm của tổng thầu. Khổng thể nói khi dự án vận hành, có vấn đề gì về an toàn là do đăng kiểm đã cấp chứng chỉ, nên phải chịu trách nhiệm toàn bộ!”, một chuyên gia (xin không nêu tên) đặt vấn đề.
Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam).
Dự án khởi công tháng 10/2011; ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015; sau đó lùi tới: tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Phi Long (VOV)
.