Các chuyên gia đều ủng hộ giải pháp dùng ngân sách nhà nước mua lại các trạm thu phí BOT đường bộ đang có bất cập, bị người dân phản đối. Tuy nhiên, cần xem xét tới mức giá mua lại và đi kèm với đó là xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan vì gây thiệt hại cho ngân sách. Hiện, cả nước có 17 trạm thu phí đang có bất cập về vị trí.
Trạm thu phí BOT Tân Đệ (Thái Bình) đã phải phá bỏ và chuyển về đúng tuyến đường đã đầu tư – tuyến tránh Đông Hưng, khi bị người dân phản đối vì đặt sai vị trí. Ảnh: PT
Mua lại, giải pháp chấp nhận được
Những ngày qua, trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) đã có một số người dân tới lập chốt để kiểm đếm xe qua đây. Theo Tổng cục Đường bộ, hoạt động này của người dân không sai, nên không có ý kiến. Còn nếu nhóm người này gây ra mất trật tự tại trạm thu phí, các ngành chức năng địa phương phải can thiệp, xử lý. Hoạt động đếm xe của người dân qua trạm thu phí Ninh Lộc là diễn biến khá mới trong các hoạt động phản đối BOT. Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, để giải quyết triệt để các dự án BOT bất cập chỉ có giải pháp sử dụng ngân sách nhà nước mua lại và không thu phí nữa. Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước khó khăn, nên nếu cân nhắc giải pháp này phải đợi kỳ ngân sách tới.
Ngoài ra, phía Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ có thể mua lại khoản vay ngân hàng của nhà đầu tư (chỉ thanh toán cho nhà đầu tư phần đã ứng ra làm dự án). Sau đó, nhà nước trả góp theo hợp đồng khoản vay nhà đầu tư và ngân hàng đã ký. Giải pháp này giúp giảm áp lực phải thanh toán 1 lần cho ngân sách. GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, câu chuyện bất cập của các dự án BOT đường bộ đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng tới nay vẫn chưa hết “nóng”.
Để xảy ra tình trạng này, theo ông Đào, lỗi cả phía nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT cho phép làm các dự án BOT thiếu tầm nhìn, chưa minh bạch, không lường trước sức ép lên người dân, và chưa kiểm soát được giá thành đầu tư. Trong khi đó, phía nhà đầu tư tham gia, hoặc đề xuất dự án cũng không lường hết rủi ro, thực hiện thiếu công khai, khi bị người dân phản ứng, gặp rủi ro tài chính lại quay ra dọa trả lại nhà nước.
“Dùng ngân sách mua lại cũng là một giải pháp có lẽ triệt để nhất có thể thực hiện. Tuy nhiên, phải tính toán lại giá thành đầu tư, không thể dùng tiền thuế của người dân mua lại dự án theo giá khai báo trên trời của nhà đầu tư. Khi tính lại giá, phần thiệt hại nhà đầu tư phải chịu vì đó là rủi ro trong đầu tư, còn thiệt hại cho ngân sách thì phải xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Còn tiền đâu để mua lại các dự án này là chuyện khác, nhưng không phải ngân sách không đủ tiền mua lại”, ông Đào nói. Theo ông vấn đề BOT hiện chỉ là hậu quả của cách làm thiếu minh bạch, không được kiểm soát chặt chẽ, gây thất thoát cho nhà nước, đẩy gánh nặng lên người dân. Vị chuyên gia trên cho rằng, dù ngân sách khó khăn, cũng nên có giải pháp triệt để, giải quyết dứt điểm “điểm nóng BOT”, không để bất ổn kéo dài.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc dùng ngân sách nhà nước mua lại các dự án BOT mà người dân đang phản ứng về việc đặt nhầm chỗ, thu phí cao…, sau đó không thu phí nữa là việc làm chưa có tiền lệ. Nếu áp dụng cách này, có thể tạo ra tiền lệ cho các dự án khác. Tuy vậy, đây cũng là giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng nếu dùng ngân sách mua lại phải tính toán, thẩm định độc lập về mức giá làm đường của nhà đầu tư. Không thể sử dụng giá do Bộ GTVT và nhà đầu tư đưa ra để chi ngân sách mua lại, vì giá này chưa hẳn đúng.
Rõ ràng mỗi lần kiểm toán vào cuộc, giá thành đầu tư tại mỗi dự án BOT lại được kiến nghị giảm, chứng minh giá thực tế và giá báo cáo có khác nhau. “Chi ngân sách nhà nước mua lại dự án, hay mua lại khoản vay của nhà đầu tư đều là những giải pháp chấp nhận được về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là mua lại với giá nào. Việc mua lại phải được xem xét kỹ, có bên độc lập tham gia, không phải chuyện nội bộ của Bộ GTVT và nhà đầu tư. Vì đã có nhiều ý kiến về nhóm lợi ích đằng sau các dự án BT, BOT, nên cần cẩn trọng”, ông Doanh nói.
Phải xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân
GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, đáng ra các dự án BOT giao thông ngay từ đầu đã phải công khai cho người dân giám sát. Thay vì làm như vậy, Bộ GTVT lại thực hiện trong “bí mật”. Hầu hết hợp đồng dự án đều được đóng dấu mật, với nhiều điều khoản kỳ quặc. Do từ đầu đã vậy, nên nay có hậu quả, cả Bộ GTVT và nhà đầu tư đều phải chịu trách nhiệm để xử lý dứt điểm vấn đề BOT. Đồng thời, cần công khai, minh bạch các dự án đang thu phí, như hợp đồng đã ký; thời gian thu còn lại; số tiền thu được; số xe qua trạm…
“Bộ GTVT cũng phải đẩy nhanh áp dụng thu phí tự động không dừng để minh bạch hơn thu phí thủ công. Quan trọng vẫn là tăng cường giám sát và trách nhiệm, nếu không thì dù có tự động vẫn có gian lận”, ông Đào nói.
Trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ và các nhà đầu tư BOT mới đây, về quản lý vận hành, thu tiền, giám sát tại các trạm thu phí đường bộ, Bộ GTVT đánh giá, hoạt động này thời gian qua đã cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, tại một số trạm thu phí BOT, trạm bán quyền thu phí nhà đầu tư vẫn: Chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT; Chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định; Có hiện tượng che giấu doanh thu, trốn thuế.
Do đó, bộ này yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án BOT chấp hành nghiêm các quy định, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ; Nghiêm túc tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra các trạm thu phí…
Về đề xuất dùng ngân sách mua lại trạm thu phí BOT đường bộ, một cán bộ Bộ Tài chính cho biết, việc này không trái với các quy định hiện hành, và có thể làm được. Tuy nhiên, cụ thể phải hỏi Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT.
Theo Bộ GTVT, hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT đường bộ, trong đó có 17 trạm có bất cập về vị trí, như: Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội); Nam Cầu Giẽ (Hà Nam); Bến Thủy (Nghệ An); Quán Hàu (Quảng Bình); Trảng Bom (Đồng Nai); TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng); Cai Lậy (Tiền Giang); QL6 Hòa Bình; QL3 Thái Nguyên… Ngoài ra, hiện một số trạm thu phí dù bất cập nhưng đã tạm dừng thu phí, như trạm Dốc Xây (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh). Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình) đã chuyển về đường tránh…
Lê Hữu Việt (TP)
.