Hàng loạt điểm ngập cũ chưa được giải quyết thì đã phát sinh thêm những điểm nhập mới. Người dân, giới chuyên môn chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, mò mẫm thông tin về cao trình khi xây nhà để khỏi ngập, bởi thông tin về cốt nền xây dựng hoàn toàn mờ mịt.
Những nỗ lực chống ngập úng của Tp.HCM trong những năm qua chưa mang lại hiệu quả mong muốn: các điểm ngập cũ trong nội thành chưa giải quyết xong thì ngập đã lan mạnh ra ngoại thành. Ở những vùng đang đô thị hóa, cụ thể quận 7, 9, 12, Thủ Đức, … đã phát sinh hàng loạt điểm ngập mới. Người dân thành phố đang trông chờ các cơ quan chuyên môn xác định cốt nền xây dựng làm cở sở cho việc xây nhà, tránh ngập.
“Chạy đua” nâng nền với mặt đường
Năm 2002, anh Lê Xuân Huân (tổ 4, khu phố 2, đường Ụ Ghe, phường Tam Phú, Thủ Đức, Tp.HCM) xây nhà. Nhìn thấy tình trạng ngập từ những căn nhà hàng xóm, anh quyết định xây trội, tôn cao nền nhà khoảng gần 1m so với những nhà lân cận. Nhờ đó, “thủy thần” đã không với tới được nhà anh. Tuy nhiên theo năm tháng, cuộc “chạy đua” nâng nền nhà trên cùng mặt đường đã khiến nền nhà anh Huân hiện chỉ cao xấp xỉ mặt đường và thấp hơn nhiều căn nhà khác. Kết quả, đợt triều cường tháng 11/2007 và một vài cơn mưa lớn trong năm nay, nước đã “leo” vào nhà anh Huân.
Cao độ của nền nhà mới được xác định dựa trên tính toán và kinh nghiệm từ các căn nhà cũ và độ cao nền đường hiện hữu. Lẽ ra, nền nhà trong một khu vực phải bằng nhau, được xác định dựa trên các thông số về cốt nền của tuyến đường đó. Tuy nhiên, do chưa tính được cốt nền xây dựng cho từng khu vực nên khi cấp phép xây dựng thì không khống chế được cao trình nền nhà và dẫn đến tình trạng nền nhà “lôm chôm” như hiện nay.
Việc tôn nền ngập gây nhiều tốn kém, nhưng trong nhiều trường hợp nhà đã xây xong, muốn nâng cao nền thêm cũng không được, trừ khi… xây lại nhà.
Dân chuyên môn cũng phải “đoán mò”
Cốt khống chế xây dựng sẽ do Nhà nước xác định, còn cốt nền do các cơ quan quản lý dự án xác định chi tiết, cụ thể. Lẽ ra đến thời điểm hiện nay, cốt nền xây dựng cơ bản cho toàn khu vực thành phố trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ ½.000 phải có. Thế mà những thông tin liên quan hiện vẫn còn rất chung chung: cao độ xây dựng khống chế đối với Tp.HCM, Hxd > 2,05m. Với khu đô thị cũ, nơi có mật độ xây dựng cao sẽ san lấp cục bộ, tôn nền tạo hướng thoát nước, còn khu đô thị mới thì san nền đạt cao độ khống chế.
Về các thông số trong một vài quy hoạch chung xây dựng vừa được công bố, trưởng phòng đô thị một quận nhận xét rằng chúng rất mơ hồ.