Hương thời gian

KTNĐ – Ngôi nhà nằm ở mặt tiền một con phố khá sầm uất của thủ đô, ấy vậy mà như không bị ảnh hưởng bởi nhịp đời sôi động. Tường trắng, ngói nâu và những ô cửa kính khung sắt đen… các chi tiết của hiện đại và xưa cũ lồng ghép, đan xen vào nhau trong cảm nhận về sự khiêm nhường hữu ý.

Ấn tượng đầu tiên về công trình là sự liên tưởng đến những ngôi nhà xưa nằm san sát nhau trong phố cổ. Nhưng nhìn kỹ hơn, nơi này còn được tô điểm bởi những chi tiết có phần phá cách với gạch ốp, những góc bo tròn, những đường uốn lượn và các khoảng lùi ở mỗi tầng.

Trên khu đất 110m2, kiến trúc sư đã chọn kết cấu lệch tầng cho kiến trúc. Sự thú vị được tạo nên khi các tầng được kết nối với nhau bằng hành lang dốc nhẹ như “cây cầu” nhỏ. Một “cây cầu” thực sự khi nó kéo dài, băng qua khoảng thông tầng – sân trong rộng ở chính giữa khu đất.

Các vật liệu thô mộc như gạch cũ, bê tông trần kết hợp với gỗ sẫm màu và kính như kể câu chuyện về không gian hiện đại được phủ hương thời gian. Những món nội thất và vật trang trí được chọn lựa kỹ để tránh làm cho nội thất trở nên nặng nề.

Không thể phủ nhận vai trò của khoảng sân – thông tầng trong vai trò lấy sáng và giúp thông thoáng cho ngôi nhà. Nhưng hơn cả thế, đây còn là nơi tái hiện một phần hồi ức ngọt ngào của gia chủ về ngôi nhà xưa. Trước khi bắt tay vào thiết kế, nữ gia chủ đã chia sẻ với kiến trúc sư: “Ngày xưa nhà chưa có điều kiện, mọi sinh hoạt ăn uống hay vui chơi đều diễn ra dưới tán cây bưởi. Chị nhớ mùi hương của hoa như một phần gắn liền với ký ức trẻ con…”. Đó cũng là cơn cớ để một gốc bưởi lớn được mang về trồng ở khoảng sân trong, bố trí cùng một chiếc bàn ăn dài với ghế băng đi kèm.

Trong nhịp sống tấp nập có phần vật chất và tranh thủ “tấc đất tấc vàng” của đất thủ đô, việc hy sinh để tạo một khoảng trống như thế quả là không phải ai cũng có thể chấp nhận. Thế nên, có thể cảm nhận được sự trân quý của gia chủ với giá trị tinh thần mà ngôi nhà có thể mang lại.

Đơn vị thiết kế gồm những người trẻ và đang trên hành trình ứng dụng triết lý mà họ đã chọn theo: “Wabisabi – vẻ đẹp
của những điều không hoàn hảo và dở dang”. Và họ đã phần nào thể hiện điều đó qua công trình này. Một trải nghiệm
mới mẻ được mang đến qua những chi tiết cũ kỹ có tính toán trong không gian mang phong cách đương đại: vừa đủ để khơi gợi lên màu sắc của hoài niệm, vừa đủ hài hòa cho cuộc sống năng động của các thành viên trong gia đình.

BÀI: MINH KHANG
ẢNH: HOÀNG LÊ

Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp – số tháng 6 – 2017