Trải qua việc lập kế hoạch xây nhà, làm việc với nhà thiết kế cùng cấp phép xây dựng từ các cơ quan có thẩm quyền, bạn cần tiếp tục công việc chọn nhà thầu thi công. Phải nói rằng, tìm nhà thầu thi công nhà là chuyện không dễ dàng gì và dễ gây căng thẳng cho bất kỳ ai có dự định xây nhà. Giữa một “rừng” đơn vị thi công, bạn sẽ rơi vào tình trạng rối tung rối mù khi không biết đưa ra quyết định như thế nào mới đúng đắn nhất. Và kể cả khi đã ấn định nhà thầu thi công nhà rồi, nếu không đút túi ngay các kinh nghiệm cần kíp này, bạn dễ dàng vướng phải các phiền toái về sau nhất là khi không biết thảo hợp đồng trước với bên thầu xây dựng. Đừng lo vì Thép Hòa . Com dành hẳn phần này trong cẩm nang xây nhà để giúp bạn.
1. Tìm nhà thầu thi công
Đa số chúng ta thường tìm nhà thầu thi công bằng cách hỏi người quen, bạn bè, nhờ họ giới thiệu các đội thầu đã có tiếng. Chính vì nhờ người quen nên thông tin về đội thầu khá tin cậy, tuy nhiên không phải ai cũng biết hoặc tìm được nhà thầu uy tín. Ngoài cách đó ra còn nhiều cách khác để tìm kiếm một nhà thầu tốt. Một trong số đó là dựa vào công nghệ thông tin. Hiện nay internet phát triển rất nhanh và việc tìm kiếm nhà thầu thi công xây dựng trên hệ thống mạng internet cũng không gặp nhiều khó khăn, hầu hết thông tin đầu được cập nhật trên internet. Vấn đề là bạn nên chịu khó tìm hiểu những công trình họ đã thực hiện, những lời nhận xét về nhà thầu. Làm như vậy bạn mới tổng hợp được hết thông tin về một nhà thầu tốt mình đang muốn làm việc cùng.
2. Những tiêu chí cần được đánh giá khi chọn thầu
2.1. Trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm
Để đảm bảo công trình được thi công đúng như thiết kế đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà mình, bạn nên suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng về việc lựa chọn một nhà thầu có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nhất định. Những nhà thầu có thâm niên trong nghề, có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, đã từng thực thi nhiều dự án, công trình với mức độ phức tạp khác nhau sẽ là lựa chọn ưu tiên. Vì những nhà thầu như vậy thường rất có uy tín, họ biết cách làm sao để giúp chủ đầu tư giảm được các chi phí thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Và thường người có uy tín cao, sẽ có trách nhiệm cao nên quá trình xây dựng của nhà bạn sẽ được theo dõi kỹ lưỡng.
Để xét trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu thì bạn cần nghiên cứu kĩ lưỡng hồ sơ năng lực của đơn vị nhà thầu, những công trình/dự án mà họ đã làm cùng với biện pháp kỹ thuật thi công công trình mà họ đã sử dụng, chất lượng nhân lực mà nhà thầu sử dụng,…tất cả những yếu tố đó sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về nhà thầu để đánh giá.
Một gợi ý nhỏ cho bạn đó là nếu nhà của bạn đang muốn xây là nhà phố hoặc nhà đơn giản thì bạn nên chọn những nhà thầu có quy mô trung bình đang phát triển trên thị trường, vì trong giai đoạn này nhà thầu sẽ chú trọng việc phát triển thương hiệu, tiếp cận và tạo lập khách hàng, nên họ sẽ chú tâm cho công trình của bạn để đem lại uy tín, tin cậy.
2.2. Tiến độ thi công công trình
Những công trình với quy mô khác nhau sẽ có thời gian thi công khác nhau. Thông thường thường gian thi công cho nhà phố hoặc nhà ở là 4-5 tháng, với những công trình lớn hơn thì có thể lâu hơn nhưng không được kéo dài quá nhiều so với quy định, nếu không sẽ tăng thêm nhiều chi phí xây dựng, vì dòng tiền cho việc xây nhà rót vào cùng với tiến độ thi công. Còn xây dựng thì còn chi. Chính vì vậy, để ngôi nhà của bạn được hoàn thành đúng trong khoảng thời gian cho phép thì yếu tố lựa chọn nhà thầu cần cân nhắc thêm đó là tiến độ thi công phù hợp…
2.3. Giá cả
Đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm khi tìm nhà thầu cho mình. Tâm lý của đại đa số là sẽ đặt yếu tố giá cả lên hàng đầu để chọn đơn vị nhà thầu, chọn nhà thầu với mức giá thi công rẻ nhất. Tuy nhiên đó là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Bởi nếu càng rẻ thì khả năng hiện tượng rút ruột công trình sẽ xảy ra. Chưa kể nhiều công ty để thu hút được khách hàng nên đã đưa ra mức giá rẻ, mặc dù chất lượng có thực sự tốt hay không thì vẫn không chắc chắn được. Do đó, không thể lựa chọn nhà thầu dựa vào mức giá rẻ nhất mà phải lựa chọn nhà thầu có mức giá phù hợp, đảm bảo chất lượng công trình. Bạn hãy căn cứ vào biện pháp thi công của nhà thầu, đội ngũ công nhân, thiết bị máy móc,…để xác định mức giá phù hợp nhất và chọn nhà thầu đáp ứng được tiêu chí đó nhất.
3. Các hình thức hợp đồng thi công
Hiện nay có 3 hình thức thi công chủ yếu giữa chủ nhà và đơn vị nhận thầu thi công như sau:
Hình thức đầu tiên là hình thức xây nhà trọn gói (chìa khoá trao tay). Có nghĩa là chủ nhà bàn giao toàn bộ trách nhiệm về vật tư và nhân công xây dựng cho nhà thầu, để nhà thầu làm từ A-Z. Hình thức này được các nhà thầu mong muốn nhất, mà chủ nhà cũng tiết kiệm được công sức của mình.
Hình thức thứ hai là chủ nhà lo một phần vật tư, nhà thầu lo nhân công và một phần vật tư còn lại. Các phần vật tư chủ nhà lo thường là các thiết bị vệ sinh, thiết bị bếp, gạch ốp lát, sơn bả, thiết bị điện, v.v… Với hình thức này thì được nhiefu người lựa chợn hơn bởi vì chủ nhà vẫn có thể chủ động trong việc lựa chọn các thiết bị, vật tư với chị phí hợp lý hoặc theo đúng ý thích của mình tuy nhiên công sức và thời gian phải bỏ ra nhiều hơn so với hình thứ thứ nhất.
Hình thức cuối cùng là chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ vật tư, đội thầu chỉ lo về nhân công. Với những chủ nhà có nhiều thời gian rảnh và cũng có đôi chút kinh nghiệm về lựa chọn vật liệu xây dựng thì mới sử dụng hình thức này. Dĩ nhiên thời gian dành ra để tìm kiếm vật tư sẽ chiếm nhiều hơn nhưng ngược lại sẽ tối giản chi phí nhất trong 3 hình thức.
4. Các điều khoản nên thỏa thuận trong hợp đồng thi công
Trước khi ký hợp đồng với đơn vị thi công, bạn nên yêu cầu nhà thầu đưa ra các giấy tờ chứng minh về năng lực hoạt động, năng lực ngành nghề để tạo độ tin tưởng và đảm bảo chất lượng công trình.
Trong hợp đồng, phải quy định rõ về giá cả, phương pháp thi công, thời gian thanh toán… cũng như các quy định An toàn lao động và bảo hiểm, quy định tuân thủ nội quy sinh hoạt địa phương để đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh sau này.
Số lượng nhà thầu thi công như “nấm mọc sau mưa” hiện tại có thể khiến bạn hoa mắt khi tìm kiếm. Chính vì thế bạn cần đút túi các bí kíp tuyển chọn nhà thầu thi công nhà đáp ứng đủ các tiêu chí trên. Chưa hết, sau khi đã “chọn mặt gửi vàng” nhà thầu xây dựng bạn còn cần thiết phải quan tâm đến hợp đồng, thỏa thuận. Đừng quên các điều khoản nên có trong một hợp đồng với đơn vị thi công bởi đó chính là “phiếu thông hành” cho quá trình xây dựng nhà ở của bạn diễn ra suôn sẻ, không vướng phải các tranh chấp hay tranh cãi nào trong và sau thi công.