Sau khi đã lập kế hoạch xây nhà với các công đoạn xác định nhu cầu sử dụng, dự tính trước chi phí cũng như chi phí phát sinh (nếu có) hay phong thủy nhà ở thì gia chủ cần tiến hành ngay đến bước thứ hai không kém phần quan trọng: Làm việc với nhà thiết kế. Tại sao phải làm việc với nhà thiết kế trước? Điều này có giúp ích gì cho quá trình xây nhà hay không? … Là những thắc mắc mà bất kỳ ai cũng sẽ nảy ra ngay trong đầu. Nếu “nhảy cóc” qua bước này, nguy cơ bạn phải đối mặt với các tình hướng rủi ro là rất cao. Cùng tìm hiểu xem làm việc với nhà thiết kế có vai trò gì mà Thép Hòa . Com lại khuyến khích bạn quan tâm trong cẩm nang xây nhà đến thế nhé?
1. Vai trò của công tác thiết kế
Mặc dù bạn đã nhìn thấy nhiều căn nhà đẹp khác của người thân, bạn bè và mong muốn nhà mình sẽ xây dựng như vậy. Tuy nhiên mỗi người, mỗi gia đình đều có một phong cách sinh hoạt khác nhau, sở thích khác nhau, chưa kể đến yếu tố phong thủy của chủ nhà cũng khác nhau nên không thể áp dụng nguyên thiết kế của những người đã làm để đưa vào thi công nhà của mình. Bạn cần có một thiết kế nhà riêng phù hợp với bạn nhất.
Bên cạnh đó, đối với nhiều người việc xây một căn nhà là cả một tài sản mà họ đã dành ra nhiều năm để tích góp xây dựng. Nên khi xây xong, bạn không thấy hài lòng hoặc ngôi nhà không như mong đợi thì quả thật là điều đáng tiếc…. Đó là một trong những lí do bạn phải có công tác thiết kế trước khi tiến hành thi công.
Thêm một điều nữa là mặc dù bạn có thể nắm vững kiến thức xây nhà nhưng bạn không phải là người trong ngành xây dựng, nên chắc chắn không thể có kiến thức chuyên sâu về thiết kế sao cho vừa phân bổ chi phí một cách hợp lý nhất vừa giúp nhà có tính thẫm mỹ cao. Có công tác thiết kế trước khi tiến hành xây nhà sẽ giúp bạn hình dung ra được ngôi nhà cần làm và chuẩn bị những gì. Với sự hỗ trợ của những kiến trúc sư và nhà thầu thi công, chắc chắn bạn sẽ sở hữu một ngôi nhà đúng như mơ ước.
2. Hình thành ý tưởng trước khi xây nhà
Đi tìm ý tưởng xây nhà thực sự không quá khó. Bạn có thể tham khảo nhà của hàng xóm, người thân hoặc bạn bè. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay bạn cũng có thể tham khảo trên các trang web, fanpage, sách báo chuyên ngành để có kiến thức nhất định về thiết kế và phong cách nội thất…Tuy nhiên, đừng quá tham lam khi muốn gom tất cả những cái đẹp ở các ngôi nhà khác vào ngôi nhà của bạn, bởi mỗi ngôi nhà được thiết kế trên sự hài hòa tổng thể.
Việc bạn kết hợp như trên sẽ khiến ngôi nhà của mình vừa không có điểm nhấn vừa không tạo được sự nhất quán, trong ngôi nhà rất mất cân đối. Điều này sẽ khiến không gian sống trở nên rối rắm, thiếu tính hợp lý và mất mỹ quan. Thay vì vậy hãy trao đổi ý tưởng của mình với kiến trúc sư. Họ sẽ cho bạn những gợi ý hoặc lời khuyên và bạn có thể cần đến chúng để hoàn thiện ý tưởng về ngôi nhà của mình ,giúp ngôi nhà đạt được mỹ quan.
3. Nội dung của một hồ sơ thiết kế
3.1. Bản vẽ thiết kế kiến trúc
– Bản vẽ mặt bằng vị trí, tổng thể (xác định nhà nằm trên khu đất nào, nhà phố, chia lô hay nông thôn).
– Mặt bằng: là bản vẽ gồm tất cả các mặt bằng tầng nhà, diễn tả đây đủ công năng, vị trí đến các chi tiết với kích thước đầy đủ. Nhìn xuống không gian bên trong sau khi theo mặt cắt ngang. Mặt phẳng cắt thường lấy cách mặt sàn khoảng 1.5 m. tương tự như ta nhìn từ trên trần nhà xuống.
- Mặt bằng tầng 1 (hay trệt)
- Mặt bằng tầng 2 (hay lầu 1)
- Mặt bằng mái
Nguồn: https://qph.fs.quoracdn.net/
– Mặt cắt
Mặt cắt: là bản vẽ thể hiện phần nhìn thấy sau khi đã cắt một không gian theo chiều đứng. Với mặt cắt sẽ giúp cho đội thợ hình dung được từng ngõ ngách chi tiết như chi tiết sàn, sàn tầng có các lớp gì? sàn mái gồm có lớp gì? sàn tầng 1 có các lớp gì?
- Mặt cắt dọc
- Mặt cắt ngang
Nguồn: thietkethicongnhadep
– Mặt đứng: là bản vẽ thể hiện hình dáng bên ngoài của ngôi nhà.
- Mặt đứng chính
- Các mặt đứng bên
Nguồn: Thietkenhadepmoi
– Chi tiết thang (gồm có mặt bằng, mặt cắt, chi tiết bậc thang và lan can)
– Chi tiết vệ sinh
– Chi tiết cửa
– Các chi tiết trang trí (bậc tam cấp, đầu cột, phào chỉ, đắp, chi tiết mái , giàn hoa bê tông,…)
Phần bản vẽ chi tiết kiến trúc ( chi tiết thang, trang trí, bậc tam cấp,..) diễn tả các chi tiết kiến trúc một cách rõ nét và kĩ lưỡng hơn. Tại đây ghi chú đầy đủ các lớp cấu tạo và chỉ định vật liệu thi công.
3.2. Các bản vẽ kết cấu
– Kết cấu móng, chi tiết móng: Sẽ giúp cho đội thi công định vị được vị trí đặt móng, giằng móng với nhau và kích thước cơ bản của móng. Ngoài ra, còn có định vị cột dầm sàn và các chi tiết của từng cấu kiện.
– Kết cấu sàn bê tông các tầng, sàn mái
– Kết cấu các khung
– Kết cấu đan thang
– Kết cấu các chi tiết lanh tô cửa, vòm cuốn
3.3. Các bản vẽ cấp điện
– Điện mặt bằng các tầng
- Thiết kế điện chiếu sáng
- Thiết kế ổ cắm
- Thiết kế internet
- Thiết kế truyền hình cáp
- Thiết kế điện thoại
- Thiết kế sơ đồ điện thông minh (nếu có)
– Sơ đồ nguyên lý phân phối điện
– Thông kê vật liệu điện.
3.4. Các bản vẽ cấp – thoát nước
Các bản vẽ cấp nước, gồm có:
– Mặt bằng cấp nước các tầng
– Sơ đồ cấp nước các khu vệ sinh, toàn nhà
– Thông kê vât liệu nước.
Các bản vẽ thoát nước, gồm có:
– Mặt bằng thoát nước các tầng
– Sơ đồ thoát nước các khu vệ sinh, toàn nhà (chỉ rõ hướng tho ra ngoài công trình)
– Thống kê vật liệu, vật tư thoát nước.
3.5. Bảng tổng dự toán kinh phí xây dựng
Bảng tổng dự toán kinh phí xây dựng, gồm:
– Phần thống kê khối lượng vật liệu
– Giá cả áp dụng
– Giá thành từng hạng mục công trình
– Chi phí phát sinh có thể trong quá trình xây dựng
– Giá trị nhân công
– Giá trị máy thi công
Tóm lược lại sơ bộ một bộ hồ sơ thiết kế đầy đủ bao gồm: Bản vẽ phần kiến trúc, bản vẽ phần kết cấu, bản vẽ phần điện, phần nước và bảng dự toán kinh phí.
4. Cách lựa chọn nhà tư vấn thiết kế
Bất kể lĩnh vực hay ngành nghề gì cũng vậy, việc đánh giá tay nghề và năng lực của một người sẽ thông qua số năm kinh nghiệm người đó có được, nhà tư vấn thiết kế cũng không phải là ngoại lệ. Trong thiết kế nhà, công việc tuy không quá phức tạp nhưng khó ở chỗ người thiết kế phải đưa ra một bản vẽ sao cho các tiện ích, công năng vẫn phải đảm bảo, đem lại cảm giác tiện nghi cho chủ nhà dù không gian có như thế nào đi nữa. Không gian càng chật hẹp, người thiết kế phải càng phải có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, người làm tư vấn thiết kế còn phải có kinh nghiệm thực tế công trình xây dựng. Bởi một bản thiết kế nhà trông có vẻ “ổn” nhưng chưa chắc có thể thực thi được. Phải có thêm kinh nghiệm thực tế của kiến trúc sư mới đảm bảo được ý tưởng trên giấy vẽ là có khả năng thi công trên thực tế. Người có kinh nghiệm làm việc ở công trình xây dựng sẽ hiểu biết nhiều về các loại vật liệu, am hiểu các loại địa hình, thời tiết, biết được mẫu thiết kế như thế nào là phù hợp nhất, chính vì vậy mẫu thiết kế của họ có tính khả thi cao, khá hoàn chỉnh.
Như đã đề cập ở trên, yếu tố phong thủy là vấn đề cực kỳ quan trọng khi xây nhà. Vì vậy mà người tư vấn thiết kế sẽ phải là người có kiến thức về phong thủy. Bởi vì chính họ là người chịu trách nhiệm thiết kế thi công, nên sẽ kiêm luôn việc hỗ trợ chủ nhà trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng, trang trí nội thất sao cho hợp lý, từ đó đưa ra một mẫu thiết kế đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, nếu bạn chọn được nhà tư vấn thiết kế là người địa phương thì càng tốt, vì họ có sự thấu hiểu về vấn đề đất đai, khí hậu, đặc trưng vùng miền nên sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích về việc xây dựng một ngôi nhà như thế nào là phù hợp. Mặt khác vì họ có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế nhà ở tại địa phương nên họ sẽ hạn chế được những lỗi thiết kế không đáng có và giúp bạn hoàn thiện ngôi nhà của mình hơn.
Ngoài ra, một yếu tố nữa mà nhiều người thường bỏ qua đó là sự nhiệt tình, cẩn thận của một người tư vấn thiết kế. Bởi người như vậy tìm hiểu rất kỹ càng công trình của bạn, sẽ thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của bạn, và nếu có vấn đề gì bạn không vừa ý, họ sẽ sẵn sàng sửa đổi. Không những thế họ cũng sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề xoay quanh bản thiết kế và tự đề xuất phương án khắc phục cần thiết, sao cho bản thiết kế hoàn hảo nhất. Nhà tư vấn thiết kế có tâm chắc chắn sẽ luôn đặt chủ nhà lên hàng đầu, hiểu và nắm rõ tâm tưu nguyện vọng của chủ nhà.
Để nhà tư vấn thiết kế tiến hành công việc của mình một cách hiệu quả nhất, bạn nên cung cấp cho họ những thông tin tóm tắt về gia đình, mảnh đất sẽ xây nhà, nhu cầu sở thích của gia đình như cần xây nhà mấy tầng, phòng khách diện tích bao nhiêu, phòng bếp có lối đi riêng hay phải thông qua phòng khách, có sử dụng phòng ăn chung với không gian bếp và cần bố trí tối thiểu cho bao nhiêu người, cần có mấy phòng ngủ, có làm thêm phòng trẻ em không?… Bảng liệt kê càng chi tiết tỉ mỉ, người thiết kế càng có cơ sở để hình dung ra điều kiện sinh hoạt của chủ nhà để từ đó dẫn đến giải pháp thiết kế phù hợp.
Một lưu ý nhỏ về việc thiết kế nội thất trong căn nhà (thiết kế trang trí trần, tường, sàn, thiết kế ánh sáng, thiết kế mẫu và kiểu dáng đồ đạc, …) là thực tế chưa cần thiết phải lên ý tưởng ở giai đoạn này, nhưng lên kế hoạch sớm thì có thể giúp căn nhà hoàn thiện hơn.
5. Những nội dung cần chuẩn bị khi làm việc với nhà tư vấn thiết kế
Để giúp nhà thiết kế có thể hình dung ra được ngôi nhà mà bạn mong muốn, bạn cần mô tả chi tiết nhu cầu của gia đình cũng như trình bày các ý tưởng trang trí của mình một càng đầy đủ và cụ thể càng tốt.
Nếu như bạn có thắc mắc hay băn khoăn về bản thiết kế thì đừng ngần ngại trao đổi với các kiến trúc sư để được tư vấn kỹ càng và tránh trường hợp hai bên mâu thuẫn, không đồng nhất ý tưởng khi ngôi nhà đã hoàn thiện.
Thêm một lưu ý khi bạn làm việc với nhà tư vấn thiết kế đó là hãy bàn bạc trực tiếp với họ về những phong thủy cho nhà bạn tốt nhất như: hướng nhà, hướng đất, các bố trí các phòng ốc…
Mặc dù kiến trúc sư sẽ thiết kế nhà dựa trên yêu cầu của bạn, tuy nhiên, đôi khi ý tưởng của bạn sẽ không phù hợp hoặc không thực thi được, vì vậy bạn cũng cần lắng nghe lời khuyên của kiến trúc sư. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành hơn nên sẽ đưa ra các ý tưởng thay thế để đảm bảo quá tình thực thi ý tưởng đó được an toàn và làm nổi bật tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Bên cạnh đó, họ còn biết thiết kế sao cho thỏa mãn như cầu sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, tối ưu hóa diện tích sử dụng và không gian trở nên hài hòa nhất.
Mỗi gia chủ là một cá tính, một cái tôi riêng biệt. Không thể áp phong cách thiết kế nhà người này cho một ai đó khác. Chưa kể, phong cách sinh hoạt, sở thích, ngân sách dự trù của mỗi gia đình là không hề giống nhau. Nếu bỏ qua bước làm việc với nhà thiết kế thì rõ ràng, bạn đã cầm chắc sự phiền toái. Lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia về lĩnh vực thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất sẽ giúp bạn cân đối chi phí, không phát sinh rủi ro, nguy cơ và nhất là tổ ấm sau khi thi công hoàn thiện đáp ứng tuyệt đối các nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình bạn.